Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của cả nước đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy suất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), Block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn. Trong lâm nghiệp ứng dụng công nghệ DNA mã vạch để quản lý giống và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Trong thủy sản ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Một số doanh nghiệp lớn (VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, NAFOOD, DABACO…) đã áp dụng công nghệ cao, CNTT vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, nông nghiệp – nông thôn (NNNT) vẫn được coi là khu vực phát triển thấp, đang trong thời kỳ chuyển đổi, 10 năm tới buộc phải bứt phá để thoát khỏi bẫy trung bình, chuyển sang thời kỳ phát triển mới trong công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước. Đó là quá trình chuyển đổi có nhiều thách thức chưa từng trải qua, phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với trào lưu chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra. Tham gia CĐS chính là nhu cầu cấp thiết của NNNT để có được chuyển đổi nhanh hơn. Việc bỏ lỡ cơ hội CĐS trong NNNT sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của đất nước. Dù tỷ trọng GDP nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc gia có giảm đi hơn nữa, thì NNNT vẫn giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan trọng cho an ninh, an sinh, an dân của đất nước. Một trụ cột như thế cần phải có chiến lược phát triển bứt phá theo cách tiếp cận mới của CĐS.
Chi tiết Tài liệu xem:
Tại đây./.